Bệnh gout nếu kéo dài mà không được chữa trị thì đến giai đoạn cuối có thể khiến cho người bệnh bị mất khả năng vận động, gây tàn phế vĩnh viễn, thậm chí là gây tử vong. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh gout và cách phòng tránh, bạn đọc cần tham khảo những chia sẻ dưới đây, qua đó chủ động ngăn ngừa bệnh hiệu quả, làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout hay còn gọi là thống phong, thuộc dạng bệnh viêm khớp có thể bắt gặp ở mọi đối tượng, trong đó thường gặp nhất là ở người trưởng thành và người già. Bệnh xảy ra khi cơ thể bị rối loạn chuyển hóa purin, khiến cho lượng acid uric trong cơ thể tăng cao quá mức và không đào thải hết được, chúng tồn đọng bên trong tạo thành các tinh thể urat tại khớp, từ đó gây ra các triệu chứng gout. Ăn uống quá nhiều thực phẩm có chất đạm kèm theo lười ăn rau củ, lười uống nước, lười vận động, sử dụng nhiều rượu bia và các chất kích thích chính là thủ phạm gây rối loạn chuyển hóa purin.
Người mắc bệnh thường có triệu chứng điển hình đó là đau nhức tại các khớp. Cơn đau gout cấp tính thường xuất hiện đột ngột sau một bữa ăn thịnh soạn có nhiều chất đạm, thường khởi phát vào ban đêm hoặc gần lúc sáng, cụ thể nhất là đau ở ngón chân cái sau đó lan rộng tới các khớp khác. Kèm theo các triệu chứng khác như sưng tấy và nóng khớp, vùng da quanh khớp có màu đỏ hoặc tím giống như nhiễm trùng.
Cơn đau gout và các biểu hiện cấp tính thường chỉ kéo vài ngày hoặc 1 tuần là sẽ biến mất mà không cần chữa trị. Tuy nhiên khoảng 1-2 năm sau thì cơn đau sẽ lại ập tới với tần suất diễn ra thường xuyên hơn, đau dữ dội hơn, thậm chí kéo dài liên tiếp vài tháng khiến người bệnh mất ăn mất ngủ, suy kiệt sức khỏe.
Ngoài ra người bệnh còn thấy xuất hiện các u cục có đường kính từ vài mm đến vài cm nhưng không đau, xuất hiện nhiều ở khớp ngón chân, cổ chân, tay, khuỷu tay, sụn vành tai… thậm chí chỗ da bọc khối u bị loét và chảy nước có màu vàng. Kèm theo đó là viêm khớp xảy ra ở các khớp bàn chân, cổ tay, bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, thường gây đau nhẹ. Bệnh gout sẽ tiến triển trong 10-20 năm cho tới giai đoạn cuối sẽ gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như: biến dạng khớp, không còn khả năng vận động khớp, gây suy thận mãn tính, nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong.
Cách phòng tránh bệnh gout hiệu quả:
Bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bệnh gout thông qua các biện pháp sau:
– Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ và chứa ít nhất purin: điển hình như các loại rau có màu xanh đậm hoặc là các loại hạt, bởi chúng vừa cung cấp chất xơ và nhiều vitamin không lo rối loạn chuyển hóa purin, giúp nâng cao tính kiềm trong cơ thể, vì thế giúp ổn định và chuyển hóa acid uric tốt, ngăn ngừa xảy ra bệnh gout.
– Nên chú ý uống nhiều nước hơn mỗi ngày: uống ít nhất 2lit nước/ngày được xem là giải pháp giúp phòng tránh bệnh gout rất tốt mà không phải ai cũng biết. Nước không chỉ giúp tiêu hóa tốt mà còn giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng cường đào thải độc tố trong cơ thể ra ngoài thông qua đường tiểu và tuyến mồ hôi, trong đó có cả acid uric, vì thế tránh được nguy cơ tồn động acid uric trong cơ thể.
– Nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc động vật: bởi đây là thực phẩm rất giàu purin, ví dụ như các loại thịt đỏ (thịt chó, thịt bò, thịt dê..), hải sản, nội tạng động vật, da và mỡ động vật, các loại thịt nướng chế biến sẵn…bạn cần hạn chế và tiêu thụ thực phẩm này ở mức vừa phải để tránh làm tăng nồng độ acid uric trong máu.
– Hạn chế hoặc không sử dụng rượu bia cũng như chất kích thích: bởi đây chính là thủ phạm dẫn tới bệnh gout nhanh nhất hiện nay, do đó bạn nên hạn chế tối đa nhất để ngăn ngừa bệnh gout cũng như các bệnh khác như gan, dạ dày…
– Thường xuyên thể dục thể thao sẽ giúp thúc đẩy bài tiết nhanh acid uric ra ngoài qua đường mồ hôi cũng như đường tiểu, vì thế tránh dư thừa acid uric, ngăn chặn bệnh tốt.
– Ngoài ra để phòng ngừa bệnh gout thì bạn nên thực hiện giảm béo, duy trì cân nặng ở mức độ ổn định nhất.